Theo một khảo sát của Refersion, tiếp thị người ảnh hưởng (influencer marketing) có quy mô dự kiến đạt 16,4 tỷ đô la vào năm 2022. Số lượng các dịch vụ liên quan đến Influencer Marketing trên toàn cầu tăng 26% chỉ tính riêng trong năm 2021, với gần 19 nghìn công ty cung ứng dịch vụ liên quan đến Influencer Marketing. Những dữ liệu này chứng minh: tiếp thị người ảnh hưởng đang trở thành một chiến lược marketing quan trọng của doanh nghiệp với quy mô ứng dụng ngày càng rộng rãi.
Tuy nhiên, tồn tại không ít tranh cãi về vai trò của người ảnh hưởng trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, đảm bảo độ xác thực của thông tin quảng cáo. Riêng tại thị trường Việt Nam, nhiều influencer từng bị người dùng lên án vì quảng cáo tiền ảo, sản phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm chức năng kém chất lượng,… hay đưa thông tin sai lệch về công dụng của sản phẩm được quảng cáo.
Vậy pháp luật Việt Nam quy định thế nào về quyền và nghĩa vụ của người đăng thông tin quảng cáo? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Quy trình triển khai Influencer Marketing
Được biết, quy trình hợp tác giữa người ảnh hưởng và thương hiệu thường được triển khai với ba giai đoạn chính:
- Pitching: Sau khi nhận brief từ khách hàng, agency sẽ phân tích và đề xuất danh sách KOL/Influencer phù hợp với chiến dịch. Sao đó, agency liên hệ với KOL/Influencer để nắm thông tin về giá cả, các thương hiệu mà họ đang hợp tác,…
- Execution: Khi danh sách KOL/Influencer được duyệt, agency sẽ gửi brief cho KOL/Influencer và yêu cầu họ chuẩn bị trang phục, tư liệu, nội dung quảng cáo,… theo yêu cầu. Sau đó tiến hành thực hiện công việc khi có xác nhận từ khách hàng.
- Nghiệm thu: Báo cáo hiệu quả chiến dịch và thanh toán sau khi hoàn tất các hạng mục
Thông thường, những nội dung ở khâu Execution thường được kiểm duyệt một cách kĩ càng trước khi đăng tải. Cụ thể, những thông tin cần độ chính xác cao như thành phần, chất lượng, công năng sản phẩm,… cần phải có giấy tờ đính kèm. Điều này không chỉ đảm bảo độ uy tín cho influencer mà còn giúp truyền tải đúng và đầy đủ thông tin sản phẩm từ thương hiệu đến khách hàng mục tiêu.
Những nội dung quảng cáo của Influencer thường được kiểm tra kĩ càng trước khi đăng tải
Vậy trong trường hợp người ảnh hưởng không chủ động xác thực những thông tin này, họ phải chịu trách nhiệm như thế nào với nội dung và thông tin quảng cáo theo quy định của pháp luật Việt Nam?
Chịu trách nhiệm liên đới khi cung cấp thông tin đến người tiêu dùng
LS Trần Minh Cường – Đoàn Luật sư Tp.HCM cho biết, dù người ảnh hưởng có thật sự trải nghiệm sản phẩm hay chưa từng dùng qua, họ đều có trách nhiệm đăng tải nội dung quảng cáo đúng theo nội dung đã đăng ký và thẩm định.
Cụ thể, điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định một số hành vi bị cấm trong quảng cáo như:
- Không quảng cáo các sản phẩm bị cấm;
- Không quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục, mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em;
- Không quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về: Số lượng, giá cả, công dụng, kiểu dáng, khả năng kinh doanh, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại…
- Không sử dụng các từ ngữ “nhất, duy nhất, tốt nhất, số một” hoặc các từ ngữ tương tự theo quy định của pháp luật;
Trên thực tế, một hình thức rất được ưa chuộng hiện nay là thông qua sức ảnh hưởng của người nổi tiếng để thực hiện quảng cáo sản phẩm, hàng hóa. Theo đó, Điều 13 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định người nổi tiếng khi quảng cáo phải chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin đến người tiêu dùng. Trong đó, phải bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ được cung cấp.
Điều 13. Trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng
1. Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin cho người tiêu dùng thông qua bên thứ ba thì bên thứ ba có trách nhiệm:
a) Bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ được cung cấp;
b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp chứng cứ chứng minh tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ;
c) Chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ;
d) Tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí, pháp luật về quảng cáo
Influencer phải cung cấp thông tin chính xác, xác thực về sản phẩm và chịu trách nhiệm liên đới về những nội dung không chính xác
Mức phạt hành chính cho việc quảng cáo sai sự thật
Như vậy, nếu hàng hóa mà người nổi tiếng quảng cáo bị xác định là hàng giả, hàng kém chất lượng, không đủ điều kiện lưu thông ra thị trường thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi cũng như thiệt hại gây ra mà người này có thể bị:
Xử phạt hành chính: Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng nếu quảng cáo sai sự thật về hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP.
Thậm chí trong một số trường hợp, Người vi phạm còn có thể bị Truy cứu trách nhiệm hình sự Về Tội quảng cáo gian dối được quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 do có hành vi quảng cáo không đúng sự thật về hàng hóa, dịch vụ với khung hình phạt lên đến 3 năm cải tạo không giam giữ:
Điều 197. Tội quảng cáo gian dối
1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm
Tuy nhiên, nếu chứng minh được bản thân đã thực hiện đầy đủ các biện pháp kiểm tra tính chính xác của hàng hóa và không biết hàng hóa là hàng giả thì không phải chịu trách nhiệm.
Content: Hằng Trần, Tú Nhã