“Chào mọi người, mình là Khoachim – một người trẻ thực hành sáng tạo đến từ Việt Nam”. Trên blog cá nhân, Trần Lê Trọng Nghĩa, hay còn được biết đến như nhiếp ảnh gia tĩnh vật Khoachim đã tự gọi mình như thế.
Khoachim là nghệ sĩ sáng tạo của triển lãm Vietnamme 1&2 với bộ ảnh tĩnh vật khơi gợi cảm hứng bản địa. Đó là một Việt Nam rất khác đến từ góc nhìn cá nhân. Anh cũng là một trong những nhà đồng sáng lập Vietnamme – một tổ chức Văn hóa – Nghệ thuật – Cộng đồng thường tổ chức các nhóm nội dung, chuỗi workshop, sự kiện đối thoại cộng đồng thu hút sự tham gia của nhiều bạn trẻ yêu Văn hoá Nghệ thuật.
Trong hành trình làm sáng tạo, anh Khoachim đã thử sức với nhiều vị trí như Nghệ sĩ thị giác, Nhiếp ảnh gia tĩnh vật, Người kể chuyện, Nhà sáng tạo nội dung hay Associate Creative Director của một agency quảng cáo Việt Nam. Anh gom tất cả những định danh trên trong cùng một câu: Tôi đơn giản đang là người thực hành sáng tạo.
Anh Khoachim xem nhiếp ảnh tĩnh vật là một phương tiện/ phương thức hữu dụng để truyền tải những ý tưởng sáng tạo của mình. Nhiếp ảnh với anh cũng giống như nhiều công cụ khác như viết, thiết kế đồ họa, sắp đặt, trình diễn… đều có những sức mạnh rất riêng và có những đặc trưng giúp người thực hành sáng tạo có thể thỏa sức truyền tải ý tưởng/ quan điểm. “Con người thì quá sống động và đa dạng. Đồ vật thì dễ điều khiến, dễ đặt để và dễ nhìn thấy vẻ đẹp của chúng hơn”, anh Khoachim nói.
Sau một thời gian thực hành với Nhiếp ảnh Tĩnh vật, anh Khoachim nói rằng mình là người cùng một lúc nhìn thấy cả hai xu hướng chụp ảnh tĩnh: Chụp vì thương mại và Chụp vì sáng tác nghệ thuật. Đặc trưng của nhiếp ảnh tĩnh vật thương mại là ý tưởng và thông điệp của sản phẩm được thể hiện rõ ràng, dễ hiểu. “Đơn cử như bộ ảnh chụp Bánh mứt ngày tết. Nếu về thương mại, người ta sẽ nghĩ ngay tới ý tưởng là chụp một đồ vật/hình tượng nào đó đặc trưng về ngày Tết. Thế là cứ nghĩ tới Tết người ta sẽ chụp hoa đào, hoa mai, màu đỏ, màu vàng. Đồ vật nào cũng được, góc nhìn nào cũng được, miễn nó thể hiện ý tưởng đó là được”, anh nói. Trong khi đó, nhiếp ảnh tĩnh vật thiên về sáng tác thì câu chuyện của tĩnh vật sẽ được lồng ghép qua tác phẩm, từ đó giúp cho người xem có những suy tưởng của riêng mình thì nhiếp ảnh gia sẽ đi tìm câu chuyện trong đồ vật.
Có nhiều người cho rằng muốn tái hiện đúng linh hồn đồ vật trong tranh ảnh thì phải sống với chúng. Thay vào đó, anh Khoa Chim tìm liên hệ giữa mình với đồ vật bằng 2 bước. Một là nắm bắt, gom nhặt những ký ức cá nhân và ký ức tập thể của người Việt Nam về đồ vật đó. Hai là quan sát đồ vật đó dưới nhiều ánh sáng và góc độ khác nhau, sau đó thể nghiệm nhiều phương cách xử lý (treatment) để lựa chọn cách thể truyền tải bằng hình ảnh phù hợp với câu chuyện cần kể về đồ vật. “Nhiếp ảnh là câu chuyện về ánh sáng và kể chuyện. Vì dưới mỗi ánh sáng, khung hình khác nhau đồ vật sẽ kể câu chuyện khác nhau. Có một điều tôi vẫn luôn ghi nhớ là: Khi chụp đồ vật, bạn không thể chỉ quan sát mà phải chạm, phải sờ để cảm nhận kết cấu, nhìn nó dưới nhiều ánh sáng khác nhau trước khi đặt nó vào một set design (bối cảnh được thiết kế). Như vậy, bạn sẽ biết được đồ vật đó có thể kể được câu chuyện nào tốt nhất”, anh Khoachim nói.
Khi chụp ảnh tĩnh vật, xu hướng chung của người chụp sẽ là chọn những đồ vật/đạo cụ mới. Anh Khoa Chim xếp vào trường hợp ngược lại khi anh cho biết mình toàn “thu nhặt, mượn hoặc tới các đầu mối ve chai, những nơi có những đồ vật bị con người bỏ lại”. Theo anh, mỗi đồ vật đều có văn hóa riêng của nó, và văn hoá đó thậm chí còn có bề dày hẳn hoi.
Anh không phân loại đồ vật theo kiểu mới hay cũ. Bản thân đồ vật có câu chuyện của nó cho dù là mới hay cũ. Nếu nó mới thì câu chuyện sẽ nghiêng nhiều về công năng, như vì sao nó ra đời, vì sao người ta lại muốn sử dụng đồ vật đó, nó ở đó và chờ con người tới mua như thế nào. “Đồ vật nào cũng có một lịch sử sẽ được hé lộ khi bạn đặt những câu hỏi như nó xuất phát từ đâu, nó từng là của ai, nó sinh ra vì mục đích gì, dưới ánh sáng đó thì nó sẽ tạo ra cảm giác gì”, anh Khoachim cho biết.
Khi thực hành nhiếp ảnh thương mại, những câu chuyện như vậy thường sẽ bị bỏ qua. “Mọi người đang chịu áp lực thương mại, vì vậy không có nhiều thời gian để tìm hiểu. Thế nhưng, sẽ có thời điểm mà câu hỏi đặt ra cho một tấm ảnh không chỉ là nó có tính thẩm mỹ không. Mà còn là đằng sau thẩm mỹ, tấm ảnh đó còn lại gì?”, anh nói.
Trong giới sáng tạo, ý tưởng là yếu tố cần và quan trọng để tạo ra một sản phẩm. Mà ý tưởng, như nhiều người nghĩ, vẫn thường đi cùng với sự ngẫu hứng. Thế nhưng anh Khoachim lại có cách nhìn khác về khái niệm này. “Khi bạn nói về ý tưởng ngẫu hứng, thực ra nó không ngẫu hứng lắm đâu. Ví dụ khi bạn nhìn cái ly, tại sao bạn lại nảy ra ý tưởng này còn người kia nghĩ ra ý tưởng khác. Đó là vì dữ liệu trong quá khứ của hai người khác nhau. Bạn đã tích cóp dữ liệu trong một thời gian dài cho đến khi nhìn thấy nó, ý tưởng chợt nảy ra từ trong người bạn”.
Và đó đồng thời cũng là câu trả lời cho câu hỏi muôn thuở rằng ý tưởng đến từ đâu. “Ai cũng hỏi tôi ý tưởng sáng tạo đến từ đâu. Với tôi, ý tưởng sáng tạo đến từ mình. Nó không có ở trên Behance, Pinterest, không có ở bên ngoài. Mình chỉ tiếp nhận luồng thông tin và lưu trữ nó lại, rồi nó sẽ quy tạo thành ý tưởng”.
Còn cảm hứng sáng tạo sẽ đến từ thói quen. “Thói quen trong lúc nghỉ ngơi. Thói quen suy tưởng về mọi thứ xung quanh. Thói quen rung cảm. Thói quen làm việc kỷ luật”, anh chia sẻ. Anh Khoachim cũng tự gọi mình là người thực hành sáng tạo, để “sáng tạo trở thành một lĩnh vực để bạn thực hành chứ không phải điều gì đó quá cao xa”. “Tôi xem mình là người thực hành sáng tạo chứ không rạch ròi là sáng tạo chữ viết hay là nhiếp ảnh gia. Người thực hành sáng tạo là người có thể tự do sáng tạo trên bất kì nền tảng/phương tiện nào mà họ muốn. Nếu tôi chọn hình ảnh thì tôi là nhiếp ảnh gia. Nếu tôi chọn chữ nghĩa thì tôi là người viết”, anh chia sẻ.
Cùng với cái định danh khác lạ đó, anh Khoachim cách đây 3 năm ôm lý tưởng “làm mới nghệ thuật”. “Vào thời điểm đó, tôi nghĩ nghệ thuật là một cái gì đó cũ. Nó như một thế giới xa vời đối với đại chúng nói chung vì vậy mình cần phải làm mới nó bằng những suy nghĩ góc nhìn khác”, anh nói. Tới thời điểm 2022 là rất nhiều năm sau đấy, anh mới chợt nhận ra nghệ thuật đã mang vẻ đẹp vốn có. “Nhiệm vụ của mình không phải là làm mới nó mà là để cho nó có đời sống đương thời để chạm đến khán giả của nó”.
Nhiệm vụ “để Văn hoá – Nghệ thuật có đời sống đương thời” có lẽ là cảm hứng và động lực cho những dự án cá nhân của anh Khoachim sau này. Vietnamme ra đời là một tổ chức không vì lợi nhuận với mục tiêu tạo ra những giá trị từ văn hóa – nghệ thuật cho cộng đồng dưới góc nhìn mới mẻ, đa chiều và đa dạng hơn. Sau 4 năm thành lập, Vietnamme đã mang đến nhiều không gian trải nghiệm văn hoá, nhiều cuộc đối thoại giữa người trẻ và những chuyên gia như Chiếu thủ công, Hội hè tò he,….
Là người đồng sáng lập tổ chức nghệ thuật Vietnamme, anh Khoachim nhận thấy rằng sự tham gia của số đông đại chúng vào nghệ thuật chưa nhiều. “Mình bỏ rơi công chúng trong quá trình sáng tác nghệ thuật và không xem họ như một lực lượng cùng sáng tạo. Trong khi đó, người trẻ vẫn chưa tiếp nhận tốt văn hoá nghệ thuật. Vì họ không có được thói quen đó trong hệ thống giáo dục và cũng không có cơ hội để tiếp xúc văn hóa nghệ thuật nhiều. Chính vì vậy, văn hoá nghệ thuật bỗng trở thành một ý niệm phù phiếm và rất xa vời”, anh Khoachim cho biết.
Tổ chức các buổi đối thoại Văn hoá – Nghệ thuật, anh Khoachim cho rằng mình và Vietnamme không ở tâm thế “khai sáng” bất kì ai. “Chúng tôi sống trong văn hóa nghệ thuật và muốn chia sẻ không gian văn hóa ấy đến với mọi người. Chúng tôi đều là người thực hành sáng tạo và quan điểm của chúng tôi là cùng mọi người đắm mình trong Văn hoá – Nghệ thuật. Gần cũng được, xa cũng được, cao cũng được, thấp cũng được. Nhưng mà nó phải hiện diện và không loại trừ”.